Sẽ thắt chặt hơn nữa việc du học tự túc?
Với những nguyên nhân như vậy, nhiều sinh viên Việt Nam đã học đến năm thứ hai, thứ ba lại bị đẩy sang học lại năm thứ nhất của một trường cao đẳng nào đó không tên tuổi ở nước bạn...
Trung bình các chi phí để nộp làm dịch vụ cho các TT DHTT là 500 USD/người cho thấy mức siêu lợi nhuận của dịch vụ béo bở này và các TT DHTT đang tiếp tục mọc ra như nấm không ai quản nổi làm phức tạp thêm tình hình DHTT. Số người "du" không "học", lợi dụng hộ chiếu được cấp du học để qua mặt sứ quán đi lại dễ dàng làm ăn... khiến việc DHTT ở một số nước hiện nay khó khăn hơn. Họ thắt chặt, kiểm tra gắt gao khi cấp thị thực... gây khó khăn không nhỏ cho những người DHTT thật sự.
Do không có đầu mối quản lý nên trong thời gian qua, người DHTT đã đổ xô vào một số ngành nghề đang "mốt" như kinh tế, tài chính... làm mất cân đối ngành nghề vốn có trong nước.
Nguyên nhân chính của tình trạng nói trên là do không có một cơ quan đầu mối kiểm soát việc DHTT trong những năm qua. Mới tính sơ bộ đã thấy có khoảng 6 cơ quan có thể cấp giấy phép cho ra đời các TT DHTT: Khi chưa có Luật Doanh nghiệp thì các bộ chủ quản cấp giấy phép, khi có Luật Doanh nghiệp thì UBND tỉnh, TP, Sở KH&ĐT các tỉnh, TP cấp giấy phép theo luật; các tổ chức quần chúng; hội khoa học, hội làm vườn... đều có thể cấp giấy phép hết thảy.
Thêm vào đó, Nghị định 05/2000/NĐ/CP Chính phủ về xuất nhập cảnh của công dân VN và theo hướng dẫn tại công văn số 1268/AII (A18) ngày 22/9/1999 của Tổng Cục An ninh, Bộ Công an cho phép mọi công dân có nguyện vọng xuất cảnh đều được xem xét cấp hộ chiếu mà "không phải nộp thêm giấy tờ chứng minh lý do xuất cảnh và các loại giấy tờ khác ngoài đơn xin cấp hộ chiếu". Theo đó, công dân DHTT sẽ được cấp hộ chiếu chỉ cần có giấy mời của cơ sở đào tạo nước ngoài. Việc này dẫn đến các hiện tượng: TT tư vấn DHTT đơn thuần là nơi bán giấy mời của các cơ sở đào tạo nước ngoài, không có trách nhiệm gì với sự nghiệp GD&ĐT của đất nước và người đi du học. Các tổ chức khác, kể cả các tổ chức nước ngoài sẽ có thể lợi dụng hoạt động này nhằm mục đích khác nhau; nhiều người lợi dụng con đường du học tự túc để làm việc khác...
Đứng trước thực trạng trên, ngành GD&ĐT vừa trình Chính phủ một đề xuất về việc công dân VN ra nước ngoài học tập nghiên cứu theo các hình thức tự túc kinh phí. Theo đó, các cá nhân DHTT có thể học tập theo thỏa thuận giữa cá nhân người đi học và cơ sở đào tạo của nước ngoài hoặc theo hợp đồng thỏa thuận do tổ chức tư vấn VN ký với cơ sở đào tạo của nước ngoài. Các tổ chức phải có tư cách pháp nhân, vốn pháp định không dưới 200 triệu đồng, có cán bộ nhân viên am hiểu công tác GD&ĐT và các luật liên quan của nước sở tại và luật pháp quốc tế...
Mức thu lợi phí khai thác nguồn đào tạo DHTT, Bộ GD&ĐT đề nghị, không quá 150 USD/người với các nước SNG và Đông Âu, 200 USD/người với các nước khác. Trong trường hợp người đi học không được nhập học theo hợp đồng đã ký không phải do lỗi của người đi học thì tổ chức tư vấn phải trả lại khoản lệ phí này cho người đi học. Ngoài lệ phí tư vấn không được thu quá 100 USD/người; lệ phí hỗ trợ công tác quản lý thu 20 USD/người.
Đối với thủ tục xét duyệt, ngành GD&ĐT yêu cầu tổ chức tư vấn hoặc người đi học nộp hồ sơ xin đi học cho các vụ chức năng của Bộ để kiểm tra và xem xét. Nếu có đủ điều kiện quy định, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản đề nghị các cấp công an có thẩm quyền xem xét cho xuất cảnh. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ GD&ĐT sẽ trả lời kết quả. Trong quá trình học tập, mọi công dân VN sẽ được cơ quan đại diện VN ở nước ngoài quản lý theo quy chế công tác lưu học sinh. Các tổ chức tư vấn, nếu vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm dân sự, hình sự.
(Theo Tiền Phong)
. Phong thuỷ theo tuổi